Ngoài những đoạn hào đắp lên bằng khối đá to dày và thô ráp, các đoạn đường hầm đồ sộ so với mái vòm đi sâu vào lòng núi có không gian lớn, đủ cho cả đoàn người đi xuyên qua. Tất cả những nét hoang sơ và xù xì đó để lại cho du khách ấn tượng đặc biệt về một chứng tích lịch sử gần như nguyên vẹn.
Sở chỉ huy pháo đài
Toàn bộ pháo đài đặt dưới sự chỉ đạo của Sở chỉ huy. Lệnh từ Sở chỉ huy sẽ được phát ra cho tất cả các bộ phận. Đây cũng là nơi sinh hoạt của chỉ huy pháo đài và là nơi diễn ra các cuộc hợp tác chiến.
Khẩu pháo số 1, số 2
Khẩu pháo số 1 và Khẩu pháo số 2 của “Pháo đài Thần Công” khống chế toàn bộ cửa ngõ cảng Hải Phòng. Cũng tại cao điểm này, trong cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh leo thang ra miền Bắc của không quân Đế quốc Mỹ, quân và dân đảo Cát Bà đã biến nơi đây thành các trận địa phòng không với các khẩu pháo 12,7 li và cả súng trường. Trận địa phòng không cao điểm 177, quân và dân Cát Bà đã đánh rơi 6 máy bay Mỹ, góp phần vào những chiến công oanh liệt của quân ta.

Sân bay quân sự
Nơi đây trước đây là điểm đỗ trực thăng vận chuyển của quân Pháp.Trong thời gian tới, khi Cát Bà được phép mở tuyến bay, đây sẽ là bãi đỗ, thêm một phương tiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan Cát Bà.
Phòng truyền thống
Chính giữa phòng truyền thống là một sa bàn dựng toàn cảnh đảo Cát Bà với điểm nhấn là cao điểm 177. Phòng truyền thống ghi lại dấu tích của một thời Cát Bà anh dũng chiến đấu với những mô hình, vũ khí, dụng cụ và vật dụng trưng bày được lưu giữ từ những cuộc chiến oai hùng của quân và dân ta, đây không chỉ là địa điểm du lịch mà còn là không gian giáo dục lịch sử, truyền thống ý nghĩa.

Không gian thú vị của phòng tình yêu
Đây là nơi dành cho những người thân trong gia đình đến thăm các chiến sĩ đang ngày đêm trên trận địa. Căn phòng mở ra nhằm cổ vũ tinh thần vô cùng to lớn cho các chiến sĩ. Đó là không gian để chia sẻ tình cảm mẫu tử yêu thương của người cha, người mẹ, tình yêu ngọt ngào người vợ, người con, và từ những ý nghĩa đó, căn phòng được gọi là phòng tình yêu.
Hầm chống bom nguyên tử
Hầm chống bom nguyên tử còn có tên gọi khác là hầm chữ U. Sở dĩ nơi này được gọi như vậy vì hầm được xây dựng mô phỏng theo hình chữ U độc đáo. Hầm chữ U không chỉ là địa đạo, giúp bộ đội ta tránh quân thù mà đến đây ta sẽ cảm nhận được phần nào cuộc sống sinh hoạt thường nhật trong kháng chiến. Hầm có sức chứa 500 người, có phòng ăn, nhà bếp, phòng họp, phòng dành cho những bệnh nhân hồi sức...được thiết kế lối thông gió lên thẳng khu vực sân bay. Du khách khám phá có thể vừa đi vừa chạm vào những bức tường đá, để cảm nhận sự mát lạnh trong hầm.